Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXI Mùa Thường Niên (Mt 25,1-13) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 25,1-13

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Tx 4,1-8

Anh em thân mến, anh em được chúng tôi dạy cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa.

Bản văn Hylạp viết “anh phải bước đi thế nào”.

Đời sống Kitô hữu là đi về phía trước, một bước tiến không ngừng.

Anh em cứ tiến thêm nữa, chúng tôi van nài anh em trong Chúa Giêsu.

Chúng ta thường hủ hậu và khô khan biết bao! Đức tin không phải là một “ghế bành và những chiếc giày đi trong nhà”. Đây là một lời mời không ngừng tiến tới.

Lạy Chúa, lúc này, Chúa mong đợi nơi con bước tiến nào?

Anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em.

Đây là những huấn thị về luân lý tính dục (CC 4-8) và về những mối tương quan huynh đệ (CC 9-12).

Vâng, phải đọc lại, Đức tin phải khơi dậy một cuộc hối cải, một cách cư xử luân lý mới mẻ “về phía Chúa Giêsu” các lối cư xử nhân loại của chúng ta phải đổi mới, nên phù hợp với Đức tin này.

Ý muốn của Thiên Chúa, là anh em nên Thánh.

Thánh thiện, không thể kém hơn! Đó là “ý” Chúa. Đó là chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta. Điều Chúa nhắm tới nơi tôi, là sự hoàn hảo. Sự hoàn hảo luân lý của con người không chỉ là một đòi buộc xã hội để kiện toàn xã hội, như người ta đôi khi nói như vậy. Đây không chỉ là một điều kiện để phát triển con người … đây là ý muốn chính thức của Thiên Chúa.

Xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại là những người không biết Thiên Chúa.

Thực sự, sự cho phép về tình dục nơi người Hylạp và Rôma không có gì đáng ao ước so với những quý lạm gọi là tân tiến. Đôi khi người ta trình bày các phong tục này như là những bước tiến, những bước nhảy vọt về tương lai … dầu vậy, rõ ràng chúng có mùi rửa thối của thời xưa, và của sự thoái lui về những hình thức nguyên thủy của một nhân loại kém mở mang. Phải, nền văn minh các Kitô hữu phải sống thời đó, bày ra công khai những liên hệ tính dục ngược với bản tính, sự dâm dật thần thánh và công khai, những chè chén say sưa thác loạn. Thánh Phaolô tóm gọn điều đó trong từ “porneia”, ở đây chuyển dịch là “dâm dật” và đưa tới từ “khiêu dâm”.

Ngược với sự dâm dật này, Phaolô để ra một đời sống tính dục bình thường. Trong khuôn khổ lứa đôi. Đời sống vợ chồng, trong hôn nhân có gì để phải nhìn tới những nét biếm họa về tính dục. Tình yêu chân thực là đường nên thánh, là nền tảng để kính trọng người khác và làm chủ chính mình. Nếu tôi buông theo đam mê, tôi biết do kinh nghiệm là mình đang trên triền dốc đổ vong thân vì ích kỷ.

Đường đi xâm phạm hay lường gạt quyền lợi anh em mình.

Phải, dục tính có thể là một sự “bóc lột” người khác, một sự “thống trị” người khác, một sự “bất công” đối với người khác. Điều này thật hiển nhiên trong trường hợp mèo chuột hay ngoại tình … nhưng hỡi ơi, điều đó đôi khi tồn tại cả trong khung cảnh lứa đôi.

Nếu tôi lập gia đình, Phaolô mời gọi tôi nhân danh Chúa, phải tự vấn xem mình có “làm tổn hại”, có “gây khổ” cho bạn trăm năm của tôi không?

Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi để chúng ta sống ô uế, nhưng để sống thánh thiện. Bởi thế, kẻ nào khinh chê những luật này thì chẳng phải là khinh dễ Thiên Chúa. Đấng đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.

Bài đọc II: 1 Cr 1,17-25

Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai đi rao giảng Tin Mừng.

Trước khi ban một Bí tích, như phép Rửa tội, phải hướng tới Đức tin. Đó là nhiệm vụ mà Phaolô đã lãnh nhận nơi Đức Kitô.

Phaolô không khinh thường Bí tích Rửa tội, ông sẽ nói về Bí tích này trong thư gửi giáo đoàn Rôma (Rm 6,3) như là một cuộc nhập thân với Đức Kitô. Nhưng việc loan báo Tin Mừng phải đi trước.

Nhưng không phải bằng lời lẽ khôn khéo để thập giá Chúa Kitô khỏi trở nên vô hiệu.

Các người Hylạp thích khen ngợi các nhà hùng biện tài ba.

Phaolô lại đố kỵ điều đó. Ong không muốn cho Đức tin chỉ dựa vào các lý chứng của loài người. Muốn rao giảng Tin Mừng, không cần tài ăn nói mạnh mẽ hùng hồn. Một người tín hữu khiêm tốn nhất, nếu đã thấm nhuần tinh thần Đức Giêsu, có thể dám nói về Người … và người ấy thuyết phục được các thính giả hơn cả những nhà thông thái của thế gian.

Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, và đối với những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.

“Ngôn ngữ của thập giá” … tôi để tâm suy nghĩ các lời ấy.

Thực sự, thập giá nói gì với tôi? Đôi khi tôi có biết đứng trước một thập giá, để lắng nghe điều gì không? Ngôn ngữ của thập giá là: “Quyền năng của Thiên Chúa!”.

Vì có lời chép rằng: “Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Thiên Chúa đã lại không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Bởi vì thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người, cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ của Tin Mừng để cứu những người tin.

Không phải sự thông thái là xấu. Đó là một ân huệ của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con những tín hữu thông minh, xin ban cho chúng con những nhà giảng thuyết thông thái. Nhưng nhất là xin ban cho chúng con biết dùng nên trí thông minh của chúng con.

Điều mà Phaolô lên án, chính là lòng tự mãn, tính kiêu căng của loài người muốn quy mọi sự về những nguyên tắc thuần lý, quyết từ chối sự “mầu nhiệm”.

Trí khôn loài người giới hạn, không thể tự phụ chứa đựng được sự “vô cùng”.

Pascal đã nói: “Bước đi cuối cùng của lý trí là nhận biết có những vật trôi xa hơn nó”.

Và ông nói thêm: “Tôi ghét cay ghét đắng các điều điên rồ ấy, là không tin phép Thánh Thể v.v…! Nếu Tin Mừng đúng thật, nếu Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, thì có gì khó ở trong đó?”.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con tiến sâu vào Đức tin, một cách khôn ngoan, chúng con chấp nhận những bóng tối của các mầu nhiệm. Chúng con tin vào Người, không phải vì chúng con đã đánh giá được sự thật lời Chúa bằng mức độ trí hiểu nông cạn của chúng con, nhưng một cách đơn sơ vì Người đã mạc khải Người cho chúng con trong Đức Giêsu Kitô, trong thập giá của Đức Kitô.

Trong khi người Do Thái đòi hỏi những “dấu lạ” của Đấng Kitô, và người Hylạp tìm kiếm lẽ “khôn ngoan” thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ.

Ngày nay, chúng ta cũng vậy, một phần giống các người Do Thái, đòi cho được những dấu lạ nhãn tiền, một phần giống người Hylạp, đòi cho được những bằng chứng thuần lý trí … Đức Giêsu đã từ chối điều kỳ diệu. Lạy Chúa, xin giúp cho chúng con tiến bước trong đêm tối dù ngược với những xét đoán của thế gian. Xin giúp chúng con khám phá ra tình yêu kỳ diệu mà Người đã biểu lộ khi bị khổ hình và tử nạn vì chúng con.

Bởi vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

BÀI TIN MỪNG: Mt 25,1-3

Bàn về việc Con Người “đến”, Đức Giêsu nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chàng rể …”.

Hôm nay cũng suy niệm tiếp tư tưởng hôm qua. Đây là một trong những dụ ngôn đẹp nhất của Tin Mừng, dụ ngôn giúp ta tiến sâu nhất vào tâm hồn Đức Giêsu.

Đức Giêsu là “Chàng rể”, Đức Giêsu yêu thương, Người đến gặp gỡ chúng ta. Người muốn đưa dẫn chúng ta vào gia đình Người, như một hôn phu dẫn hôn thê về gia đình mình. Theo Đức Giêsu, đời sống Kitô hữu là thế: Bước đến gặp gỡ ai để yêu thương ta … bước đi của một hôn thê hướng tới hôn phu mình … mong ước một cuộc hẹn gặp …

Đây là hình ảnh lễ đính hôn truyền thống trong Kinh Thánh, ta đã quen gặp. Đức Giêsu rõ ràng đã lấy lại hình ảnh đó và sử dụng theo ý Người: Thiên Chúa yêu thương nhân loại … nhân loại tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa … Con người được tạo thành để sống thân tình với Thiên Chúa.

Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.

Cũng chính là tư tưởng hôm qua ta đã gặp. Đức Giêsu đến chậm. Cuộc hẹn hò bất ngờ, giờ gặp không rõ trước: người ta không biết khi nào Người đến.

Phải, đúng thế! Chúng con có cảm tưởng như Chúa vắng mặt, Chúa sẽ không đến. Rồi chúng con quên Chúa, chúng con ngủ cả, thay vì phải “canh thức”.

Nửa đêm có tiếng la lên: “Chú rể đến rồi kìa! Ra đón đi!”.

Hôm qua, ta thấy Đức Giêsu dùng hình ảnh “kẻ trộm ban đêm”, để nhấn mạnh đến hiệu lực của bất ngờ, và do đó đến sự cần thiết phải luôn sẵn sàng.

Hôm nay, ta gặp lại cũng chính ý tưởng đó. Nhưng chính là một “chú rể đến vào ban đêm”. Ta có thể canh thức, vì ta sợ trộm cướp. Nhưng canh thức còn quan trọng hơn biết bao, vì ta mong ước chú rể đến.

Tôi có thực sự mong ước Đức Giêsu đến không? Tôi làm gì để tỉnh táo, biết cảnh giác, luôn để ý những lần đến thăm của Người?

Các cô khôn ngoan chuẩn bị đèn dầu …

Đúng vậy, vì trong câu chuyện của Đức Giêsu, có hai loại “cô dâu”: Một nửa là khờ dại, nửa kia thì biết lo xa.

Nhưng tất cả các cô đều ngủ hết. Tất cả các cô không chực chờ nổi. Như thế, lạy Chúa, trong chi tiết nhỏ bé đó, Chúa cũng minh chứng cho chúng con biết, Chúa hiểu rõ chúng con biết bao.

Và Chúa không đòi hỏi chúng con những gì không thể làm được: Chỉ một chút cảnh giác, một ngọn đèn nhỏ tiếp tục “canh thức” trong khi chúng con ngủ. Đó cũng là ý định tế nhị của hiền thê trong sách Diễm Ca 5,2: “Tôi ngủ, nhưng tim tôi thức”. Vâng, con biết rằng, con chưa yêu Chúa đủ. Nhưng Chúa biết rằng, con muốn yêu Chúa hơn. Lạy Chúa, thường thường con dễ thiu thiu ngủ và không chờ đợi Chúa nữa, nhưng xin Chúa hãy nhìn đến chiếc đèn con và dầu dự trữ của con.

Những cô đã sẵn sàng, được đi theo chàng rể vào dự tiệc cưới …

Đó là hình ảnh Nước Trời: Phòng tiệc cưới, một cuộc gặp mặt, ở với Chúa.

Nhưng Nước Trời, tùy thuộc nơi ta có khởi sự ngay từ đời này không?

Các trinh nữ kia cũng đến gọi: “Ong ơi, ông mở cửa cho chúng tôi với! Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”. Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Trái ngược hẳn, câu nói đáng sợ trên làm nổi bật toàn thể vẻ nghiêm trọng của cuộc mạo hiểm con người chúng con. Việc gì Chúa yêu chúng con, đâu phải là trò đùa Chúa đã tặng ban tất cả.

Khi ta được yêu mến bằng một tình yêu như thế, mà ta lại từ chối … thì tình yêu đó trở nên như một thứ đau khổ: Một cuộc đời lỡ hỏng, một cuộc đời đã nhớ cuộc gặp gỡ.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Dụ ngôn mười cô trinh nữ.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Dụ ngôn mười cô trinh nữ này kêu gọi chúng ta hãy nhiệt tình trong đức tin và can đảm trong sự chu toàn sứ mạng mà Thiên-Chúa trao phó cho chúng ta ngay cả trong gia đình, cộng đoàn, nghề nghiệp, họ đạo và xã hội chúng ta đang sống.

2. Mười cô trinh nữ trong dụ ngôn, tượng trưng cho cả các Kitô hữu: nam cũng như nữ, giáo dân hay tu sĩ và giáo sĩ. Người ta có thể khôn như năm cô khôn ngoan, hay khờ như năm cô khờ dại đem đèn mà không đem theo dầu. Dụ ngôn nhấn mạnh chuyện chàng rể đến chậm, nghĩa là không biết rõ giờ nào Chúa đến, nên phải luôn sẵn sàng.

Trong dụ ngôn, các chi tiết đóng cửa lại, cũng như câu đáp của chú rễ đối với những cô đến chậm là không bình thường trong một đám cưới tự nhiên. Nhưng chính những chi tiết ấy làm nổi bật những ý nghĩa thiêng liêng: người ta chỉ chết có một lần thôi; không có cơ hội để làm lại nếu đã không sẵn sàng.

3. Dụ ngôn này có ý trình bày về giờ giáng lâm của Đức Kitô vào ngày cánh chung:

- Vị hôn phu là Đức Kitô.

- Các trinh nữ, tượng trưng cho Hội Thánh và các phần tử trong Hội Thánh, ra nghênh đón Chúa Kitô vào giờ cánh chung và ngày chết của mọi người.

- Sự chậm trễ tượng trưng cho cuộc chờ đợi ngày giáng lâm lâu dài, nghĩa là sự chờ đợi Chúa đến trong kiên trì nhẫn nại và bền đỗ.

- Đi vào phòng cưới là đi vào nước Thiên-Chúa.

- Cửa đóng lại: diễn tả sự khai trừ dứt khoát trong ngày phán xét.

4. Chúa Giê-su được ví như chàng rễ; Người đến để gặp gỡ mỗi người chúng ta. Người muốn đưa chúng ta vào gia đình của Người, tức là vào sự sống đời đời. như một hôn phu dẫn hôn thê về gia đình mình. Như vậy chúng ta theo Chúa tức là đi theo hướng đi của một hôn thê hướng tới hôn phu của mình.

5. “Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi rồi ngủ cả”:

Đức Giê Su đến chậm: điều này vừa diễn tả: Chúa đến cách bất ngờ không ai biết trước được; vừa diễn tả muốn gặp Chúa thì phải sẵn sàng và tỉnh thức trong kiên trì và bền đỗ.

Nhưng vì thiếu nhẫn nại chờ đợi, chúng ta có cảm tưởng như Chúa vắng mặt, Chúa sẽ không đến. Rồi chúng ta quên Chúa, chúng ta ngủ cả thay vì phải canh thức.

6. “Nửa đêm có tiếng la lên ‘chú rể đến’ ra đón đi”:

Kiểu nói “nửa đêm … Chú rể đến”: có ý nhấn mạnh đến tính cách bất ngờ, và do đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải luôn sẵn sàng.

Chúng ta có thể tỉnh thức vì sợ trộm đến. Nhưng tỉnh thức còn quan trọng hơn biết bao vì ta tỉnh thức để chờ Chúa đến và đem ta về với Chúa.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.